Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 13: Đêm Trường Sơn chúng con nhớ Bác!

Đêm nay là ngày Noel, không quân Mỹ ngừng hoạt động trên toàn tuyến. Cả một vùng Trường Sơn quanh năm không mấy lúc ngớt tiếng bom đạn, giờ đây yên ắng lạ! Trong hang đá nhỏ, quanh đống lửa bập bùng, mấy anh em chúng tôi vừa sưởi lửa, vừa ngồi nghe cậu Tâm, một chiến sĩ thông tin có giọng ca vàng hát những bài ca về Trường Sơn.

Giống như một nghệ sĩ, Tâm hát say sưa, vừa đủ nghe, thong thả. Mắt cậu ta mơ màng, nhìn về xa xăm, như đang thả hồn mình bay bổng theo những lời ca:

"Đường ra trận mùa này đẹp lắm!

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây"

Giữa chừng, tôi rời bếp lửa lên giường nằm, không phải vì buồn ngủ, mà là để trong tư thế thư giãn, được tiếp tục lắng nghe và thưởng thức tiếng hát đầy cảm xúc của Tâm:

"Ôi! Đêm Trường Sơn!

Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa.

Mà ngỡ như từ Pác Bó, suối về đây ngân nga

Âm vang Trường Sơn-Âm vang Trường Sơn...".

Bếp lửa tàn. Mọi người đã ngủ. Riêng tôi lòng dạ cứ thao thức, bâng khuâng. Bài "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" mà Tâm hát lúc vừa rồi làm tôi vương vấn mãi. Nó gợi lại trong tôi hình ảnh của Bác, cùng với niềm thương nhớ Bác thiết tha. Từ trong ký ức sâu thẳm của mình, kỷ niệm vè những lần mà tôi may mắn được nghe kể về Bác, được gặp Bác kính yêu, lần lượt hiện về.

Hồi chống Pháp, tôi có người bạn thân là Bùi Văn Phú. Trong những ngày chung sống ở Việt Bắc, đã có lần Phú tâm sự với tôi: "Ra trận sống chết là chuyện thường, nhưng nếu lỡ chết mà chưa được một lần gặp bác, ân hận lắm Lân ạ!". Ước mơ của Phú cũng là niềm ước ao to lớn của tôi và của nhiều người.

Ngược dòng thời gian, tôi nhớ lại ngày đầu Cách mạng tháng Tám ở quê tôi, khi nghe tin "Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà", anh tôi Lưu Trọng Thuỷ rất vui. Tôi đã được nghe anh kể những câu chuyện liên quan đến hoạt động của Người. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tình cảm kính yêu Bác của tôi cũng bắt đầu từ đó, một tình cảm rất tự nhiên và trong sáng.

Vào một ngày tháng 7 năm 1947, tôi cùng Soang, một chiến sĩ du kích, nằm trong vòng vây của 48 tên lính Pháp và lê dương. Tình thế thật nguy ngập! Tôi bàn với Soang: "Quyết không để giặc bắt! Phải hô khẩu hiệu (Các chiến sĩ du kích chúng tôi hồi đó luôn thuộc nằm lòng hai câu khẩu hiệu, để sẵn sàng hô, trường hợp phải hy sinh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!") trước khi cho nổ lựu đạn để cùng chết với chúng". Chúng tôi cắn răng rút chốt an toàn. Trong giây phút căng thẳng ấy, tôi dự định nếu tình huống xấu nhất xảy ra, bị giặc phát hiện, sẽ cùng Soang vụt đứng dậy, gọi to tên Bác Hồ, tên Tổ quốc (riêng tôi sẽ hô bằng tiếng Pháp: Vive le Président Ho Chi Minh! Vive le Vietnam Indépendant!) rồi cho hai trái lựu đạn cùng nổ tung... Nghĩ đến đó, hình ảnh Bác bỗng hiện lên trong trí óc, lòng tôi bỗng trở nên thanh thản lạ thường.

Nhưng rồi bọn giặc đã không phát hiện ra chúng tôi. Chúng kéo nhau ra về. Thế là thoát nạn! Sau này, mỗi lần nhớ lại chuyện xưa, tôi cứ nghĩ, nếu hôm ấy bị giặc phát hiện, chắc chắn Soang và tôi đã hy sinh một cách xứng đáng.

Ngày 4 tháng 9 năm 1948, sau một thời gian rèn luyện và thử thách trong hoạt động gây dựng cơ sở ở vùng địch hậu, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Mai Trọng Nguyên, Bí thư Huyện uỷ huyện Bố Trạch lúc đó, trực tiếp kiểm tra nhận thức của tôi, với hai câu hỏi:

-Mục tiêu của Đoàn thể (Hồi ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển vào hoạt động bí mật, nên gọi Đảng là Đoàn thể) là gì?-Lãnh tụ của đoàn thể là ai? Đồng chí cảm nhận vì vè lãnh tụ?

Sau một thoáng suy nghĩ, tôi trả lời:

-Mục tiêu của Đoàn thể ta là:

+Đấu tranh giải phóng dân tọc, tức là kháng chiến, giành độc lập cho Tổ quốc.

+Đấu tranh giải phóng giai cấp, tức là làm cho Công Nông thoát khỏi ách áp bức bóc lột của tư sản, địa chủ.

+Lãnh tụ của Đoàn thể là Bác Hồ. Bác Hồ suốt đời đấu tranh vì dân vì nước. Bác luôn ở trong trái tim tôi. Tôi xin nguyện noi gương Bác suốt đời phấn đấu vì nước vì dân.

Đồng chí Nguyên khen tôi nhận thức tốt. Sau đó, đồng chí bí thư chi bộ tuyên bố: "Kết nạp đồng chí Lưu Trọng Lân vào Đoàn thể". Tôi sung sướng được đứng trong Đoàn thể mà Bác Hồ là lãnh tụ!

Hồi ấy, tôi chưa hề dám nghĩ tới việc được gặp Bác. Mãi đến cuối năm 1952, khi được ra Việt Bắc, trong tôi mới chớm nở ước mơ được gặp Bác Hồ. May mắn làm sao, sau khi cùng đơn vị chuyển về bảo vệ thành phố Hải Phòng, ước mơ đó của tôi đã trở thành hiện thực.

Ngày 30 tháng 5 năm 1957, Bác Hồ đến thăm Quân y viện 12, Bệnh viện nằm kề bên trận địa pháo cao xạ của tiểu đoàn tôi, ngăn cách bởi một hàng rào dây thép gai. Là tham mưu trưởng tiểu đoàn, hôm ấy tôi xuống làm việc với cán bộ đại đội. Nhờ một người quen bên bệnh viện báo tin có Bác đến thăm, mừng quá chúng tôi quyết định tạm xếp công việc, chạy ngay đến sát hàng rào, nhìn sang.

Bác kia rồi, trong bộ quần áo ka-ki màu bạc, khoác bên ngoài một chiếc bờ-lu, đang từ khoa điều trị thương bệnh binh đi ra, giữa một đoàn cán bộ nhân viên Quân y viện phục một màu trắng toát. Rồi Bác đứng nói chuyện với anh chị em, ngay giữa sân, bên cạnh chiếc ôtô của Người. Tôi say sưa nhìn Bác, nhưng không nghe Bác nói gì, vì xa quá! Dẫu sao, tôi đã là người hạnh phúc, hạnh phúc lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy Bác Hồ kính yêu.

Năm 1964, tôi được tham gia phục vụ triển lãm "10 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ". Một buổi sáng, tôi còn nhớ đó là hôm thứ ba, ngày 21 tháng 7 năm 1964, triển lãm đóng cửa. Lý do: đón Bác Hồ đến thắm.

Tôi được phân công giới thiệu chính giữa, nhưng vì quá sốt ruột, tôi cứ chạy ra mé ngoài ngóng trông Bác đến. Ôi! Bác đã xuống xe, giản dị trong bộ quần áo nâu với đôi dép lốp, dáng đi rất nhanh nhẹn. Tôi vội chạy về vị trí, hồi hộp nhẩm đi nhẩm lại lời thuyết minh, để lát nữa giới thiệu với Bác cho được lưu loát.

Bác xuất hiện từ cuối gian bên. Đi cạnh là Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám. Đi sau là giám đốc khu triển lãm trung ương Lê Minh Tuấn. Thấy tôi đứng đó, Bác liền hỏi:

-Chú là chiến sĩ Điện Biên? (Có lẽ Bác nhìn thấy tôi đeo hu hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ).

-Thưa Bác, vâng ạ!

-Chú ở binh chủng nào?

-Thưa Bác, cháu ở pháo cao xạ.

-À! Hồi đó pháo cao xạ lần đầu ra trận, đánh tốt lắm! Thôi, chú giới thiệu đi! Vắn tắt thôi nhé!

Bao nhiêu câu chữ mạch lạc trong đầu tôi bỗng chạy đi đâu mất. Tôi thuyết minh một cách lúng túng. Bác không nghe tôi giới thiệu nữa. Bác tự xem lấy, thỉnh thoảng quay lai trao đổi đôi điều với Bộ trưởng Hoàng Minh Giám.

-Ảnh này khá đẹp, nhưng phải sửa lại đôi chút cho đẹp hơn! Chú hiểu chứ! Retoucher (là sửa, là chấm lại những nét hư trên ảnh).

Bộ trưởng mỉm cười, gật đầu.

-Mấy ảnh này sao không có lời chú thích? Phải ghi chú thích để cho đồng bào mình ai xem cũng hiểu được!-Ông bộ trưởng lại gật đầu, lĩnh ý của Bác.

Đến chỗ trưng bày hàng sứ Hải Dương. Bác quay sang hỏi tôi:

-Đồ sứ ta đẹp, nhưng còn dày và nặng. Có đúng không chú?

Tôi ấp úng đáp:

-Thưa Bác, đúng ạ!

-Hồi ở Paris, Bác cũng đã từng làm thợ rơ-tút ảnh và thợ vẽ hoa trên gốm, sứ đấy!

Tôi buột miệng: "dạ!" một cách chung chung.

Phút chốc Bác đã đi qua gian trưng bày bên cạnh. Tôi đứng lặng nhìn theo, bâng khuâng như mất một cái gì.

Sau khi xem xong toàn khu triển lãm, nhìn thấy anh chị em cán bộ, nhân viên, các cháu gái thuyết minh đứng ngấp nghé xa gần, Bác khoát tay nói với giám đốc khu triển lãm cho tập hợp anh chị em lại để chụp ảnh chung với Bác.

Mừng quá, chúng tôi chạy ùa ra vây lấy Bác. Tôi nhanh chân đến gần. Bác bảo:

-Nào! Chiến sĩ Điện Biên vào đây!

Tôi vội vàng đứng ngay bên phải Bác, thầm "cảm ơn" cái huy hiệu Điện Biên Phủ đeo trên ngực.

-Kìa! Các cháu gái ngoài kia, vào gần hơn!-Bác đưa tay vẫy vẫy.

-Các chú nhiếp ảnh! Thay nhau vào đứng chụp với Bác đi!

Ai nấy đều vui. Chụp ảnh xong. Bác ra hiệu cho tất cả ngồi xuống. Bác cũng ngồi ngay trên thềm nhà. Đương nhiên là tôi cũng ngồi xuống ngay cạnh Bác. Đã bao nhiêu năm qua nhưng tôi không sao quên được những lời Bác dặn hôm ấy, đại ý:

-Trước tiên, Bác khen các cháu, dù khách xem triển lãm đông, thời tiết nóng bức, thời gian kéo dài, các cháu vẫn phục vụ hết sức nhiệt tình. Bác rất vui! Nhưng Bác phê bình các cháu: vệ sinh chưa tốt, bụi bặm còn nhiều. Một số ảnh chưa đẹp và thiếu lời chú thích. Trời nắng nóng, nhưng còn thiếu thùng nước uống cho bà con, nhất là bà ở con nông thôn lên.

-Triển lãm này giới thiệu thành tích mười năm xây dựng miền Bắc, nhưng cũng chính là vì miền Nam đó. Miền Bắc xây dựng tốt, thì đồng bào miền Nam mới tin tưởng, mới hăng hái đấu tranh, nước nhà mới mau thống nhất. Vậy các cô, các chú hãy vì miền Nam mà ra sức góp phần xây dựng miền Bắc tốt hơn.

-Bác chúc các cô, chú mạnh khoẻ, tiếp tục phục vụ đồng bào đến xem triển lãm tốt hơn nữa.

Rồi Bác ra về. Chúng tôi ngẩn ngơ nhìn theo. Trong tim mỗi người đều in đậm bóng hình và những lời chỉ dạy của Người. Điều cảm động nhất là lúc nào Bác cũng nhớ đến miền Nam.

Tối 31 tháng 12 năm 1964, Cục Đối ngoại Chính phủ tổ chức chúc mừng năm mới, với sự có mặt của tất cả các vị đại sứ các nước và nhiều chuyên gia bạn, cùng nhiều khách mời về phía Việt Nam. Nghe tin có Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, nhiều người chen nhau ra phía cổng chính, hy vọng được đón Bác ngay từ đầu. Không lọt được vào phía cổng, tôi đành tìm chỗ đứng ở gần khu trung tâm, nơi đã có các ông bà đại sứ đứng đợi.

Đã đến giờ, không thấy ôtô Bác đến, những người đứng phía cổng chính bắt đầu sốt ruột. Không ngờ, chắc là do yêu cầu của công tác bảo vệ, xe chở Bác lại vào lối khác. Bác xuống xe, bất ngờ xuất hiện ngay sau lưng mọi người. Tôi quay lại, nhìn thấy Bác đi vào, gần quá, rõ quá! Hôm nay Bác mặc bộ đồ kaki màu nhạt, chỉ khác là chân đi giày da, tác phong của Người vẫn thật gần gũi, cởi mở.

Bác lần lượt bắt tay các đại sứ, các chuyên gia và phu nhân. Bác tươi cười nói chuyện với người này, người khác (không qua phiên dịch). Tôi cảm nhận trên gương mặt các ông bà đại sứ, chuyên gia đều ánh lên nét hân hoan, vui sướng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lời chúc mừng năm mới của Bác, tiếng vỗ tay nổi lên, kéo dài. Rồi bác lại hoà vào đám đông, tiếp tục bắt tay, chúc mừng... Khi Bác lên xe ra về, nhiều người còn bâng khuâng, luyến tiếc vì không được gần Bác thêm nữa. Riêng tôi, mỗi lần được gặp Bác, nhìn thấy Bác, đều để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Và đó cũng là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời tôi.

Ngày 3 tháng 9 năm 1969, lúc đó đơn vị tôi đóng ở Hà Nội, được tin Bác mất, cán bộ. chiến sĩ trong đơn vị tôi ai nấy đều rưng lệ.

Lắng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Hà Nội truyền đi những câu thơ rung động lòng người của Tố Hữu càng làm chúng tôi thương nhớ Bác khôn nguôi:

"Bác đã đi rôi sao Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời.

Miền Nam đang thắng mơ ngày hội.

Rước Bác vào thăm thấy Bác cười".

Ba ngày trước hôm làm lễ quốc tang truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoà trong dòng người bất tận và trong tiếng khóc nức nở xé lòng của các mẹ, các chị, các em, tôi bước vào hội trường Ba Đình viếng Bác. Trong chiếc quan tài bằng pha lê, bác nằm như đang ngủ, đôi dép lốp đơn sơ đặt dưới chân Người...

Thấm thoắt đã hơn hai năm, đêm nay giữa núi rừng Trường Sơn, trên con đường mang tên Bác, những người lính chúng con đang nhớ đến Bác, hát về Bác với tất cả nỗi lòng kính yêu vô hạn.

Cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ vẫn còn tiếp diễn, đang chờ chúng con. Nhưng, dù cho khó khăn quyết liệt đến mấy, chúng con cũng xin nguyện sinh tử cùng với con đường mang tên Bác để cho mạch máu nối liền Nam-Bắc không một ngày ngừng chảy, để cho miền Nam thân yêu mau được giải phóng hoàn toàn.

Hết Chương 13: Đêm Trường Sơn chúng con nhớ Bác!
Thông tin sách