Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 12: Đại đội trưởng... giả

Tháng 3 năm 1972, trung đoàn 227 chúng tôi lật cánh từ tây Trường Sơn sang đông Trường Sơn để nhận nhiệm vụ mới: tham gia bảo vệ giao thông chiến dịch Trị Thiên.

Đêm hôm ấy, trên đường 15, chúng tôi chờ phà vượt sông Long Đại trong sự khống chế từng đợt của máy bay Mỹ. Xe pháo trùm kín lá nguỵ trang, đậu thành hàng bên bờ bắc.

Nhân lúc yên tĩnh, tôi tranh thủ đi bộ lên phía trước xem xét tình hình. Đêm nay vào khoảng rằm tháng 2 âm lịch. Trời nhiều mây, nhưng ánh trăng vẫn soi tỏ mặt người. Len lỏi qua các tốp bộ đội đứng ngồi bên xe pháo, tôi bỗng thấy hai chiến sĩ trẻ đang đối diện nhau. Một người đứng nghiêm giơ tay chào:

-Báo cáo đại đội trưởng!

Người kia, sau một thoáng ngỡ ngàng, kêu lên:

-Ôi! Thằng Luận!-Rồi hai người ôm lấy nhau, đấm lưng nhau, cười rộn rã.

Tôi đâm thắc mắc: cái anh cán bộ đại đội kia sao trẻ quá vậy? Trạc khoảng hai mươi là cùng? Đại đội trưởng của đơn vị nào mà tôi không biết? Hay là tôi nghe nhầm? Không lẽ. Bước tới gần hơn, tôi hơi ngờ ngợ, chưa kịp hỏi thì anh chàng được gọi là đại đội trưởng ấy nhận ra tôi:

-Báo cáo thủ trưởng! Em là Tuấn, đại đội 13 đây ạ!

-Cậu là đại đội trưởng đại đội 13?

-Dạ không phải đâu ạ! Sở dĩ lúc nãy cậu Luận, đồng hương của em đấy, pháo thủ đại đội 26, gọi đùa em là đại đội trưởng, vì có lần ở trên tuyến, em được phân công phụ trách chỉ huy trận địa nghi binh nổ giả của đại đội.

-À! Tớ nhớ ra rồi!-Tôi dang rộng vòng tay ôm choàng vai hai chiến sĩ trẻ. Cậu Luận ghé vào tai tôi nói nhỏ:

-Bạn Tuấn bây giờ là khẩu đội trưởng rồi đấy, thủ trưởng ạ!

Tôi siết chặt vai Tuấn, trong lòng xao xuyến một niềm vui.

Trở lại với mùa khô bên tây Trường Sơn. Dòng sông Sê-băng-phai ngày đêm cuồn cuộn chảy. Ở phía thượng nguồn, trên dãy Trường Sơn, con "đường mòn Hồ Chí Minh" không chỉ cắt qua mình nó ở một nơi, mà là nhiều nơi, chỗ có những nhánh của con đường đi qua. Những điểm giao nhau giữa các nhánh đường và các dòng sông, dòng suối ấy được gọi là "ngầm". Dưới ngầm là một lớp đá trải phẳng, giống một đoạn đường, trên ngầm vẫn là dòng nước chảy ngang qua. Người ta đặt tên cho chúng những tên như: ngầm Khoai nước, ngầm Con rùa... Cũng có khi người ta gọi chúng bằng những âm chữ cái như ngầm A, ngầm A', ngầm B, B', C, C' hoặc ngầm N1, N2, N3, U1, U2, U3... Chỉ riêng đoạn đường 128 từ Sa Ang đến Xóm Péng, dài không đến 20 kilômét, đã có hàng chục chiếc ngầm như thế vượt qua những khúc sông, khúc suối Sê-băng-phai.

Tiểu đoàn 14 của trung đoàn chúng tôi được phân công bảo vệ đoạn đường nóng bỏng ấy, đoạn đường mà không quân Mỹ ngày đêm ra sức ngăn chặn. Máy bay của chúng đánh phác các ngầm liên tục: ban ngày, bổ nhào ném bom; ban đêm, bay bằng toạ độ, kết hợp dùng AC130 và lũ F4, A6, A7 khống chế các đoàn xe ta trên các đoạn đường trống trải. Ngoài việc đánh đường, đánh ngầm, đánh xe, chúng còn đánh các trận địa pháo cao xạ rất ác liệt.

Do lực lượng có hạn, để hạn chế tổn thất thương vong, để che mắt không quân địch và đánh lạc hướng chúng, các đại đội pháo phải luôn luôn thay đổi vị trí, tăng cường nguỵ trang, phải xây dựng các trận địa nghi binh và thực hành những trận địa giả trên các trận địa vừa rút đi. Một bộ phận chuyên trách được thành lập để đảm trách công việc quan trọng này.

Ở đại đội 13, đại đội trưởng Giang chỉ định một tổ hai người, đó là Tuấn và Nhân, hai chiến sĩ dũng cảm và lanh lợi, do Tuấn làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của họ là phải thu hút được nhiều bom địch về phía mình. Dụng cụ của họ rất đơn giản: mấy chục thỏi mìn, kíp mìn, vài trăm mét dây điện và một máy phát điện xách tay. Với từng ấy thứ, họ sẽ tạo ra những ánh lửa, những cụm khói, gần giống như khi pháo ta đang bắn.

Để nghe lệnh từ sở chỉ huy, họ còn được trang bị thêm một máy điện thoại. Tuy đánh trận giả nhưng yêu cầu phải có chiến thuật hẳn hoi. Thời cơ "bắn" phải đúng lúc. Khi địch đến, họ không được "đánh" sau các trận địa chính. Có nghĩa là họ phải "nổ súng" trước, nhưng chỉ sớm hơn một chút thôi, vừa đủ tạo ra sự chú ý của đám phi công Mỹ bay trên trời.

Để đảm bảo an toàn, họ phải đào hai hố cá nhân, có nắp đậy bằng những bó trúc ghép lại, cách xa trận địa giả chừng vài trăm mét. Tuấn ngồi một hố với chiếc máy điện thoại, Nhân ngồi hố bên cạnh với chiếc máy phát điện cầm tay. Khi máy bay địch kéo đến, Tuấn cầm ống nghe, Nhân cầm tay quay. Chờ lệnh đại đội, Tuấn lập tức hô: Bắn! Nhân vội vàng quay máy phát điện. Giữa trận địa giả xuất hiện những ánh chớp và những cụm khói. Để san bằng "trận địa" đối phương, máy bay Mỹ liên tiếp ném bồi, ném nhồi, hết đợt này sang đợt khác. Máy bay trinh sát bay qua chụp ảnh một trận địa bị đánh tan tành, coi như đó là thành tích của chúng. Có khi bom phốt pho còn cháy sáng cả đêm không tắt. Chất lân tinh xanh lè ấy lại cuốn hút bọn giặc đêm lao vào ném bom nữa, bồi thêm nhiều loạt vào trận địa giả vừa bị đánh bom hồi chiều.

Càng thu hút được nhiều bom địch, chiến công của các tổ làm nhiệm vụ nghi binh càng to. Trong khi đó, các trận địa thật của ta đàng hoàng tung lưới lửa bắn vào các tốp máy bay đánh phá ngầm.

Tuy nói thế, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Có nhiều khi kẻ địch bị mắc lừa, nhưng cũng có lúc chúng phát hiện ra trận địa thật. Ngày 26 tháng 11 năm 1972, chính đại đội 13 đã bị mấy tốp A6, A7 lao vào tấn công. Pháo ta bắn lên từng loạt, khiến chúng ném bom trượt ra ngoài hầu hết. Chỉ có một quả bom bi rơi trúng khẩu đội 2. Nông Văn Thắng, pháo thủ người dân tộc Tày, cần cù chịu khó nhất đơn vị, hy sinh trên mâm pháo. Hai chiến sĩ Thay và Sự bị thương. Một quả bom phát quang rơi vào vị trí giấu xe, làm ba xe hỏng. Đêm hôm đó, lái xe Lê Văn Phiếu đã một mình một xe, lần lượt kéo cả bốn khẩu pháo của đại đội 13 sang trận địa mới.

Dầu sao, các trận địa nghi binh nổ giả của trung đoàn chúng tôi hồi đó vẫn phát huy hiệu quả cao. Tổng kết có tới 35 quả bom phá, 22 quả bom phát quang, bốn quả bom lân tinh, hai quả fusant (bom nổ trên không, chụp xuống rất nguy hiểm), sáu quả nổ chậm và 30 loạt bom bi đã trút xuống các trận địa giả. Tổ nghi binh của Tuấn và Nhân đạt thành tích cao nhất. Ác liệt đến thế mà các chiến sĩ của ta ở các trận địa ấy vẫn an toàn. Nói chung đều bị sức ép, riêng Tuấn bị một mảnh bom nhỏ sượt qua bả vai, lúc cậu ta nhô người lên quan sát.

Được biết các anh bên binh trạm 12 cũng tổ chức nghi binh làm lạc hướng đánh phá của địch để bảo vệ đoàn xe. Có đêm, khi lực lượng xe ta chia làm hai mũi: mũi thứ nhất từ Săng Lẻ rẽ đi Nha Vai, qua ngầm C vào Xóm Péng; mũi thứ hai từ Kha Nhu qua ngầm 15A vào Pắc-pha-năng, thì ở nhánh Sa Ang đi Bản Sôi, các tổ nghi binh của công binh đã đặt những đèn rùa, đèn pin màu đỏ, màu trắng, giả đèn gầm của ô tô hoặc đốt những can dầu ma dút đặt trên những chiếc xe bị phá huỷ ven đường làm giả xe cháy, để thu hút máy bay địch đến đánh phá, tạo điều kiện cho các đoàn xe ta đi lối khác đến đích trót lọt, an toàn. Có những đêm, ba lực lượng Xe-Công-Pháo tác chiến hiệp đồng chặt chẽ.

Tôi gặp Tuấn lần đầu khi cậu ta đang gánh trên vai nào mìn, nào dây điện vừa được ban tham mưu trung đoàn cấp phát bổ sung. Dịp may để hiểu thêm tình hình, tôi liền gọi người chiến sĩ có nét mặt sáng sủa và thông minh ấy lại hỏi chuyện. Tuấn trả lời tôi rất mạch lạc, lưu loát, với đầy vẻ tự tin, có phần dí dỏm, khi kể lại những trường hợp hai cậu đánh lừa được những tên phi công Mỹ. Hai "thầy trò" chúng tôi quen nhau từ dạo đó.

Tháng 5 năm 1972, tôi rời trung đoàn 227, chuyển sang phụ trách đơn vị mới.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1974, tôi gặp lại Giang, đại đội trưởng đại đội 13 cũ, nay đã là tiểu đoàn trưởng, trong đoàn quân vào giải phóng thành phố Sài Gòn. Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện gia đình, tình hình đơn vị kể từ khi xa nhau. Nghe tôi hỏi về khẩu đội trưởng Tuấn, người chiến sĩ chỉ huy trận địa nổ giả năm xưa, Giang cho biết:

-Đoàn Mạnh Tuấn sau này tiến bộ lắm! Chiến đấu rất dũng cảm. Năm 1972 được đề bạt vượt cấp lên trung đội trưởng và giờ đây cậu ta đã là đại đội trưởng...

Tôi ngắt lời Giang:

-Đại đội trưởng! Đại đội trưởng thực sự chứ không phải là đại đội trưởng giả như năm xưa nữa! Ôi! Cậu Tuấn thật tuyệt vời!

Trong niềm vui chung to lớn của toàn dân tộc mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi còn có những niềm vui riêng, đặc biệt thú vị như thế đó.

Hết Chương 12: Đại đội trưởng... giả
Thông tin sách