Đêm nay trăng sáng quá! Núi rừng Trường Sơn hiện ra trước mắt tôi điệp trùng, mờ ảo. Mấy giò phong lan treo ở cửa hang, dưới ánh trăng, vẫn hiện rõ những cánh hoa vàng. Gió đêm lành lạnh thổi. Tôi đưa tay cài khuy cổ áo, mắt nhìn xuống đường ô tô, nơi có những đoàn xe vận chuyển của binh trạm sắp đi qua.
Tôi quay vào hang, lòng cảm thấy trống trải. Mọi hôm ở đây có bốn người. Nhưng đêm nay, anh Khôi chính uỷ trung đoàn đã lên họp ở Bộ Tư lệnh Đoang 559. Anh Khâm, tham mưu phó, đi đốc chiến. Cậu Nam, chiến sĩ thông tin thì vừa xin phép xuống "hang lớn", nơi hậu cứ của trung đoàn, để đổi mấy bình ắc quy.
Còn lại mình tôi với cây đèn dầu ma-dút cuộn khói, một điện thoại và một máy bộ đàm P105. Nhắc ống nói, tôi gọi Nam, dặn dò: "Cứ ở dưới đó, chớ vội lên! Hãy chờ cho qua đợt hoạt động của chúng, đợi thật yên, hẵng về!". Chả là cái "hang nhỏ" của chúng tôi ở lưng chừng núi, nếu đang đi lên mà gặp máy bay Mỹ ập đến thì thật không an toàn. Tiếp đó, tôi gọi điện nhắc các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn xe sắp đi qua trọng điểm.
Tôi miên man suy nghĩ về nhiệm vụ nặng nề của trung đoàn trong chiến dịch vận chuyển mùa khô. Bỗng trên không trung pháo sáng địch chói loà. Tiếng động cơ phản lực của máy bay gầm rú. Những tràng đạn pháo cao xạ của ta bắn lên. Tiếp theo là bom, những loạt bom rung chuyển núi rừng. Ngọn đèn dầu tắt phụt. Quả bom nổ gần, làm sạt mất một góc hang. Một tảng đá lớn sập xuống ngay cạnh chỗ tôi ngồi. Sức ép của bom khiến ngực tôi đau nhói và tức đến nghẹn thở.
Gắng đứng dậy, tôi bỗng giật thót mình, vì bàn tay vừa đặt lên một mảnh bom nóng bỏng. Tôi rụt tay lại. Mảnh bom rơi ra, bóc theo một mảng da bàn tay tôi. Rát quá! Tôi phải gỡ băng cá nhân, băng lại vết thương.
Lo cho cậu Nam và cũng không biết anh em mình ở dưới có việc gì không, tôi quay máy gọi. Nhẹ tênh! Dây ăng ten cũng không còn. Mất liên lạc với dưới, nhưng tôi vẫn yên tâm, vì các đơn vị đều đã có kế hoạch tác chiến theo phương án có sẵn.
Loay hoay không biết làm vì trong cái hang tối om và không mấy vững chắc này, tôi tìm chiếc đèn pin, rọi ra xung quanh. Một ý nghĩa chợt đến: "Phải rời khỏi nơi đây!". Phía trong hang có một cửa thông gió. Biết đâu qua đấy, tôi tìm đến được với anh em ở hang dưới. Rồi giống như một "nhà thám hiểm hang động", tôi siết chặt dây giày vải, quàng dây đeo đèn pin lên vai và không quên đút vào túi quần một cặp pin mới.
Tôi vừa bấm đèn vừa đi. Lúc đầu khom mình còn đi được, nhưng sau đó, tôi phải toài người chui qua một lỗ nhỏ mới vào được bên trong. Có lối rẽ trái, tôi bò tiếp. Bò khoảng vài chục mét thì hết đường. Tôi quờ quạng xung quanh, bốn phía đều kín như bưng. Không lẽ? Rọi đèn lên trần, thấy một khoảng trống, tôi vội leo lên. Nhưng vách đá trơn quá, phải mấy lần trèo lên, tụt xuống, lại trèo lên nữa, tôi mới tới được đoạn hang phía trên. Nhìn xuống chỗ vừa trèo, thấy sâu thăm thẳm đến ớn lạnh. Nếu phải quay trở lại thì không biết sẽ làm sao đây?
Đèn pin mờ dần. Trong khi dừng lại nghĩ, tôi tạm thời đẩy công tắc đèn, để tiết kiệm pin. Ngồi một mình trong bóng tối, giữa lòng hang sâu, tôi cảm thấy rờn rợn và lo lắng vô cùng. Trở về lối cũ ư! Làm sao tôi có thể tìm được chỗ đặt bàn chân khi tụt xuống những vách đá cao và trơn tuột lúc này? Tay đâu rọi đèn pin, tay đâu bám vách đá để đu mình xuống? Tiến lên nữa ư? Liệu tôi có thể tìm ra được lối thoát trước khi nguồn năng lượng của đôi pin bé nhỏ chưa cạn kiệt? Một giả thiết xấu: nếu không thoát được mà bị kẹt giữa chừng, chết ở đây, ai biết tôi ở đâu mà tìm? Trong thâm tâm, tôi đã bắt đầu nghĩ đến vợ con ở nhà.
Một luồng gió nhẹ lướt qua, cộng thêm nỗi sợ hãi, khiến tôi rùng mình. Nhưng chính luồng gió ấy đã giúp tôi một tia hy vọng: có gió tức là có đường thông. Tôi lại tiếp tục bò, trườn, trèo lên, tụt xuống với sự gắng sức tối đa. Ánh sáng đèn pin mờ hẳn, đúng lúc tay tôi vừa chạm phải một vật gì giống trăn. Giật mình lùi lại, đầu tôi đập vào vách đá, đau điếng. Luống cuống một lúc tôi mới thay được cặp pin. Soi kỹ thì hoá ra đó là một rễ cây to mập, thòng từ trên cao xuống, chui sâu vào một kẽ đá. Một phen hết hồn.
Đến một hang rộng chừng vài mét vuông, ngửa mặt nhìn lên, tôi thấy một lỗ tròn, cao tít, trên đó thấp thoáng mấy vì sao. Thì ra đó là lỗ thông lên "trời", nhưng quá cao, chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Hình như máy bay địch lại đến. Nghe tiếng bom nổ và cảm nhận sự chuyển động của núi, tôi đoán ngoài kia địch đang thả bom đợt hai. Phần tôi trong này, lại tiếp tục chui nữa, một mình mò mẫm trong vắng lặng tột cùng. Trời lạnh mà người tôi ướt đầm mồ hôi.
Bỗng tôi mơ hồ nghe như có tiếng người nói từ xa xăm vọng lại. Đúng rồi! Tiếng nói xen lẫn tiếng cười, rất nhỏ. Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi phấn khởi luồn, lách và giờ đây là theo hướng đi xuống. Tiếng nói cười vọng đến càng lâu càng rõ. Lại có cả tiếng con gái. Lạ thật? Đơn vị tôi làm gì có nữ chiến sĩ? Hay đây không phải là hang hậu cứ của mình? Nhưng thôi! Mọi chuyện thắc mắc dẹp sang một bên! Hãy "đi" nữa đi! Đến nơi sẽ biết.
Cuối cùng, sau cơn hiểm nghèo, tôi đã đặt được bàn chân mình xuống nền đất "hang lớn". Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngoài kia, không ai hay biết gì về sự có mặt của tôi tại nơi này.
Đứng trong góc nhìn ra, tôi bắt đầu quan sát: một đám đông chừng ba mươi người, cả nam lẫn nữ đang ngồi quây tròn quanh một đống lửa. Tiếng cười nói râm ran, giọng Bắc pha lẫn giọng miền Trung. Nhìn kỹ số con trai, tôi nhận thấy đúng là anh em mình. Có cả cậu Nam, chiến sĩ thông tin của tôi nữa. Còn những người con gái thì tôi chưa hề biết mặt. Các cô đều mặc trang phục thanh niên xung phong. Để tìm hiểu tình hình, tôi nhẹ nhàng tiến đến gần hơn, lắng nghe những lời đối thoại:
-Quê em ở đâu?
-Em quê Kỳ Anh.
-Ồ! Thế thi em là đồng hương Hà Tĩnh với anh rồi! Anh quê Hương Sơn.
-Còn em quê Can Lộc.
-Vậy có gần Ngã ba Đồng Lộc không?
-Cũng gần! Chỉ cách chừng dăm cây số thôi! Còn anh?-Quê anh xa lắm! Tít tận Thái Bình cơ!
-À! Hình như quê anh có "nhà máy cháo"?
Mọi người cười rộ. Tôi tự hỏi: mấy cô thanh niên xung phong này ở đâu mà lại lọt vào đây, giờ này? Tại sao các cô, các cậu lại thân thiết với nhau đến thế? Họ ngồi xổm, nam nữ xen nhau. Một số các cô, các cậu tay quàng vai, quàng lưng, một số nghiêng đầu vào như đang tình tự.
-Bây giờ các em đi đâu?
-Bọn em đi vào, tăng cường cho binh trạm 31 phía trong.
-Vào đó ác liệt lắm! Các em có ngại không?
-Ôi! Chúng em đã từng làm bạn với tuyến đường trên hai năm, ở đoạn Khe Ve-Mụ Giạ đường 12. Bom đạn chúng em chẳng sợ. Khó khăn gian khổ mấy cũng chịu được. Chỉ buồn vì thiếu tình cảm thôi. Cả đại đội chúng em chỉ có một người đàn ông làm đại đội trưởng. Bộ đội, lái xe, đêm đêm hành quân qua, chỉ vui với nhau trong ánh mắt, tiếng cười, sau đó bọn em lại trở về với "con cháu Hai Bà Trưng".
Không khí quanh bếp lửa hơi chùng xuống.
-Thế lúc nãy nó ném bom ngoài kia, sao các em biết ở đây mà chạy vào?
-À! Cả bọn em ngồi chung một xe. Loạt bom bi nổ chệch bên kia đường. Nhìn sang bên này thấy cửa hang, bọn em liền hô nhau nhảy xuống, chạy thục mạng vào đây. Nhờ trăng sáng, chúng em bám nhau chạy, đầy đủ, không thiếu đứa nào. Hai anh lái xe chắc đang ẩn ở hố cá nhân nào đó cạnh đường.
Cả bọn lại cười vui, như không có chuyện gì xả ra. Có những bàn tay xoè ra phía trước, hơ lửa. Nhưng cũng có những bàn tay đan nhau, nắm chặt lấy nhau, phía sau lưng.
Bỗng từ ngoài xa vang lên tiếng gọi dài, chắc là chú lái xe:
-Các cô đâu rô-ô-ồi! Ra xe đi thô-ô-ôi!
Tất cả bừng tỉnh như sau giấc mơ. Nhiều người đứng dậy. Vài cặp ngồi nán thêm một chút. Họ chia tay nhau trong bịn rịn, dùng dằng. Tay trong tay, họ tiến ra cửa hang nói với nhau lời tạm biệt. Những bàn tay vẫy vẫy. Có một cô gái bỗng quay trở lại, ôm chầm lấy cậu Hải, đẹp trai nhất trong số lính của tôi, áp mặt vào má anh chàng, hít một hơi thật dài, rồi vụt chạy theo đồng đội.
Thú thật trong đời tôi chưa từng chứng kiến một cảnh nào như thế. Từ đầu đến cuối, tôi "mải mê" đứng nhìn, quên mất hẳn những gì nguy hiểm vừa xảy ra với tôi trước đó. Các cô, các cậu ấy đúng hay sai nhỉ? Nhớ lại, lúc đó tôi đã phân vân tự hỏi như vậy, nhưng rồi tình thương và sự cảm thông đã khiến tôi xao lòng, chọn phương án "im lặng".
Đã từng qua những chặng đường ác liệt của Quân khu 4, đã sống qua những tháng năm đầy bom đạn ở Trường Sơn, tôi thấu hiểu một điều: bên cạnh bộ đội (công binh, lái xe, phòng không...), lực lượng thanh niên xung phong đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhất là các nữ thanh niên xung phong. Trong cuộc chiến khốc liệt, các em đã chịu đựng những thiệt thòi, hy sinh quá lớn: sức khoẻ, tuổi thanh xuân, gia đình, tình yêu đôi lứa...
Tôi lùi lại hang sâu, nấp kín, vẫn còn trong tâm trạng vương vấn một cảm xúc bồi hồi khó tả. Chờ anh em chuẩn bị đi ngủ, vờ như không biết chuyện gì, tôi bấm đèn pin, xuất đầu lộ diện trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Trong vòng vây của anh em, tôi kể lại vắn tắt cuộc "hành trình" bất đắc dĩ của tôi vừa qua. Cậu Nam cầm tay tôi láu lỉnh nói: "Ở dưới này bọn em cũng lo cho thủ trưởng trên đó lắm!". Tôi tủm tỉm cười thầm và nghĩ bụng: "Ngồi giữa các cô gái, chắc gì cậu đã nghĩ đến tôi!".
Câu chuyện mới đó mà đã mấy chục năm. Hình ảnh các em gái thanh niên xung phong với mấy chàng lính trẻ trong hang đá Trường Sơn năm nào luôn đọng mãi trong tôi như một dấu ấn không thể nào quên. Sau 30 năm, hôm nay, nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn, tôi xin được "tiết lộ" câu chuyện cảm động này với quý độc giả.
Khẩu pháo 100 li "độc thân" giữa rừng Trường Sơn
Không biết khi giúp ta trang bị những trung đoàn pháo cao xạ 100 li với những bộ khí tài hiện đại, các bạn Liên Xô có bao giờ nghĩ rằng vào một lúc nào đó, tại một nơi nào đó, có một khẩu pháo 100 li, đơn độc một mình, đêm đêm nhả từng quả đạn, tham gia đánh máy bay AC130 của Mỹ trên Trường Sơn?
Nghe thì lạ, khó tin, nhưng đó lại là chuyện có thật một trăm phần trăm.
Trước tiên, xin nói về máy bay AC130-, "con quái vật 5 đầu", "con cú vọ độc ác", "thằng cướp đêm"... kẻ thù đặc biệt nguy hiểm của bộ đội lái xe trên Trường Sơn. Bom sát thương, bom bi, thậm chí cả bom B52 rải thảm, anh em cũng không ngại (vì đã nắm được quy luật của B52). Chỉ ngán nhất cái thằng "sập thùng" này.
Cứ mỗi điểm xạ "pập-pùng!", "pập-pùng!" là một xe ta ăn đạn cối 40 li của AC130.
Tôi đã nhiều đêm trèo lên đỉnh núi Xóm Péng để nghiên cứu về loại máy bay hiểm độc đó. Những đêm đầu tôi thỉ thấy, qua ánh trăng, chiếc máy bay hai thân AC119, loại máy bay mà tôi đã từng thấy khi nó thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở thung lũng Điện Biên năm xưa. Sau một tiếng "Rẹ-ẹ-ẹt" dài giống như chiếc xe Zin sang số, là một loạt đạn 20 li cày xuống đường AC119 bắn 20 li cũng khá chính xác, nhưng ở đâu có pháo ta bắn mạnh là nó chuồn ngay.
Đêm 18 tháng 1 năm 1972, tôi lại trèo lên đỉnh núi. Khoảng 18 giờ, tiếng động cơ ầm ì từ xa vọng lại, nhưng nghe nặng nề hơn những đêm trước. Khi tiếng ầm ì đến gần, tôi ngửa mặt nhìn lên, căng mắt theo dõi.
Trong ánh trăng vằng vặc, tôi chợt nhìn thấy lờ mờ bóng dáng chiếc máy bay, với cái bụng to bè, lướt qua rất nhanh. Chỉ mấy giây thôi, rồi nó mất hút trong màn đêm, nhưng tôi khẳng định đó là AC130!
Nghe tiếng động cơ thay đổi, tôi đoán nó đã bắt đầu lượn vòng trên trọng điểm. Bên dưới đường kia, đoàn xe ta đang đi qua. Bỗng "pập-pùng!", "pập-pùng!", những tiếng nổ của đạn cối 40 li làm tim tôi đau nhói. Thế nào cũng có một chiếc xe dính đạn của nó rồi. Không biết đồng chí lái của ta có kịp xuống hầm ẩn nấp?
Từng cụm lưới lửa cao xạ vọt lên, bắn chặn đầu máy bay. Lập tức bọn cường kích F4 nhào tới ném bom phản ứng trận địa. Tuy thế, đạn cao xạ vẫn tiếp tục từng đợt, từng đợt nổ rền trên trọng điểm Xóm Péng.
Tôi hy vọng nó sẽ chuồn. Nhưng không! Những tiếng "pập-pùng!", "pập-pùng!" vẫn cứ như một điệp khúc quái ác kéo dài, dai dẳng. Tôi bỗng hiểu ra rằng: thế là độ cao bay của AC130, hơn hẳn AC119, đã ở ngoài tầm bắn của pháo cao xạ 37 li của ta.
Ở đây, chúng tôi có một đại đội pháo 57 li, nhưng cũng không uy hiếp nổi nó. Chỉ sau vài loạt bắn, trận địa pháo 57 đã bị bọn F4, A7 lao đến ném bom: bom phá, bom sát thương, bom bi, cả bom lân tinh nữa. Hai pháo thủ của đại đội hy sinh ngay trên mâm pháo.
Với phương tiện quan sát bằng "máy khuếch đại ánh sáng mờ", đặc biệt có thêm phương tiện mới, quan sát bằng "tia hồng ngoại", phát hiện mục tiêu nhờ ở "bức xạ nhiệt" toát ra từ máy nổ của xe, tên cú vọ đã dễ dàng nhằm trúng xe ta.
Đêm nay, mười xe cháy trên đường. Một xe xích của trung đoàn tôi kéo một khẩu pháo 100 li của đại đội 3, trên đường vào Tà Lộng, đi qua đó, cũng bị AC130 đánh hỏng.
Đại đội 3 chỉ còn lại ba khẩu pháo, với bộ khí tài vừa mới được sửa chữa, do hư hỏng sau một chặng đường dài vượt đỉnh Trường Sơn. Trung đoàn quyết định: sử dụng pháo 100 li, có khí tài, tham gia đánh AC130. Từ hôm đó, hiệu quả bảo vệ đoàn xe tăng lên rõ rệt. AC130 đã phải tránh xa khu vực trọng điểm, mỗi khi xuất hiện những chùm đạn nổ lấp loé quanh mình nó. Đội hình xe ta nhiều đêm vượt trọng điểm an toàn.
Nhưng rồi đến một hôm khi ra-đa của đại đội 3 phát sóng, dò tìm mục tiêu, thì một quả đạn tên lửa không đối đất (Shrike) từ máy bay địch phóng xuống nổ ngay cạnh đài. Đài hỏng. Trung đội trưởng Ngọc, đài trưởng Như, cùng ba trắc thủ Điều, Chiếu, Thúc đều bị thương. Thế là hết hy vọng vào phương pháp đánh ưu việt nhất: phương pháp đánh bằn phần tử ra-đa.
Vài phút sau, một loạt bom nữa làm hỏng hoàn toàn hệ thống vận hành của một khẩu pháo. Đại đội 3 được lệnh di chuyển ngay trong đêm. Riêng khẩu pháo bị hỏng bánh xe kia đành phải nằm lại. Đó là khẩu đội 4. Nó chính là khẩu pháo 100 li "độc thân" giữa rừng Trường Sơn mà tôi đã nói ở phần trên.
Suốt nửa mùa khô năm ấy nó không thay đổi vị trí, chịu trận với biết bao bom đạn, để tham gia đánh AC130 bằng phương pháp đơn sơ nhất: phương pháp bắn bằng phần tử lắp sẵn.
Cán bộ tham mưu trung đoàn giúp đại đội tính toán, xác định các phần tử bắn: góc hướng, góc tầm, ngòi nổ đầu đạn. Lệnh bắn sẽ được phát đi từ một đài quan sát đặt trên đỉnh núi, gần trọng điểm Xóm Péng. Khi AC130 đến một điểm nào đó trên vùng trời, người chỉ huy đài quan sát sẽ phát lệnh cho khẩu đôi 100 li bắn.
Ban ngày, đơn vị cho khẩu đội 4 bắn thử. Đêm đến cho bắn thật. Khi AC130 mò tới, từng viên đạn xé màn đêm bay đi và nổ ngay trên đường bay dự kiến. Những ánh chớp nhỏ loè lên, khi xa, tuy không trúng, nhưng cũng làm cho những tên phi công hết vía, có lúc phải chuồn thẳng. Có nhiều đêm, binh trạm gọi điện sang biểu dương cao xạ đã tích cực đánh địch bảo vệ đoàn xe.
Không những đánh đêm, khẩu đội 4 còn tham gia đánh máy bay OV10 ban ngày, tên giặc chỉ điểm lợi hại, rất đáng ghét, cứ kêu vo vo và bay lượn suốt ngày trên đầu chúng tôi. Nguỵ trang không kín mà nó phát hiện thấy là lập tức: "bụp", nó phóng đạn khói. Chỉ mấy giây sau, bọn "chó ngao" lao đến liền. Cũng bằng phương pháp lắp sẵn phần tử ấy, khẩu đội 4 đã bao lần làm cho lũ OV10 hốt hoảng phải bay đi, không dám quay đầu trở lại.
Một hôm tôi cùng Khoa, đại đội trưởng đại đội 3, ghé thăm khẩu đội 4. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy khối lượng thùng đạn và vỏ đạn khổng lồ chất đầy xung quanh hầm pháo. Đại đội trưởng Khoa cho biết: anh em bắn rất nhiều đạn, hơn nữa vì nằm một chỗ, nên số vỏ đạn cứ ùn mãi lên.
Khẩu đội trưởng Phương cùng mất pháo thủ, trông có vẻ già dặn vì tuổi uân khá cao, tiếp chúng tôi trong một hầm chữ A. Tôi thay mặt trung đoàn biểu dương thành tích của khẩu đội. Thay mặt khẩu đội, Phương hứa sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Trong câu chuyện tâm tình vui vẻ, Phương, pháo thủ lớn tuổi nhất đưa ra một ý kiến: " Xa nhà lâu rồi! Chỉ mong mùa khô này, đơn vị ra Bắc nhận vũ khí mới, trung đoàn cho bọn em về phép mấy ngày. Nhớ vợ quá, thủ trưởng ạ!".
Lời nói chân thành của Phương làm tôi hết sức xúc động. Trong cuộc chiến đấu sinh tử, triền miên với giặc Mỹ, chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều hy sinh, trong đó có sự hy sinh về tình cảm, về hạnh phúc gia đình. Tôi hứa sẽ chuyển lời đề nghị này lên cấp trên.
Có chú gà rừng vừa bẫy được, anh em nấu một nồi cháo gà thết đãi chúng tôi.
Từ đó đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ. Những đồng đội của tôi ngày ấy, giờ đây ai còn ai mất? Hy vọng nếu có ai trong số đồng đội cũ của tôi đọc được bài này, hãy cho tôi một dòng tìn và địa chỉ.