Kinh tế, Kinh doanh
Tác giả: Lê Đăng Doanh

Bài Nói Chuyện Của Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh

Chương 20: Phần 4

TRAO ĐỔI Ý KIẾN VỚI DIỄN GIẢ

Câu hỏi: Xin hỏi một ý là lúc nãy bác có nói về nguy cơ. Hiện nay chúng ta đang có 4 nguy cơ. Bác nói là khả năng có nguy cơ mới. Thì có thể gọi tên các nguy cơ mới đó là gì?

Trả lời: Theo tôi, nguy cơ mới mà tôi muốn nói ở đây là xuất hiện những mâu thuẫn nội bộ xuất hiện các tình huống mới hoặc là chúng ta không muốn nhìn nhận hay là chúng ta chưa kịp phát hiện. Mâu thuẫn đó tiềm ẩn, nằm trong quá trình phát triển mà do đó thể chế và do quá trình phát triển này tạo nên thôi. Giống như kinh nghiệm ở Thái Bình, kinh nghiệm ở Tây Nguyên rồi rất nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như ở Hà Tây, họ kiện cáo như vậy là đằng sau đều có chuyện cả, chứ không phải là không có chuyện. Theo tôi được biết, chỗ An Khánh, các bố ở xã và huyện chén lắm chứ không phải đơn giản. Dân tức vì mấy lão lấy đất của nó chén gớm quá. Đấy là một. Thứ nữa là trước đây là cùng một họ với nhau, thậm chí là cùng một gia đình, thằng trưởng được ruộng thế này, thằng thứ được ruộng thế kia. Bây giờ thì bồi thường ruộng này lại gấp mười lần bên kia, lại bảo mày nhiều tiền hơn, tao ít hơn. Lại là anh em một nhà. Nó không hiểu. Tức là ông vẽ ra luật pháp như vậy nhưng không quán triệt nguyên tắc luật pháp là để chế định người cầm quyền chứ không phải là luật pháp chủ yếu là để kiểm soát, chế định người dân. Cái đó theo tôi là đặt vấn đề chưa đúng. Bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay kém ở chỗ phát hiện và xử lý những xung đột. Nếu những xung đột cục bộ ấy không được xử lý, nó sẽ tích tụ lại. Anh đè nén nó làm nó tích tụ lại. Và đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó xêm xêm như vậy ở Liên Xô hay Cộng hòa dân chủ Đức hay như ở đâu đấy. Tôi nghĩ hiện nay ở Trung Quốc cũng có nguy cơ giống hệt như chúng ta. Những điều người Trung Quốc nói cũng giống hệt như chúng ta. Nhưng theo tôi, nhân đây xin nói, Hội nghị 4 của Trung Quốc vừa rồi, nói là mới nhưng thực chất vẫn là cũ. Cũ ở chỗ vẫn tiếp tục đảng trị, nó là đảng cầm quyền, cương lĩnh của đảng là cương lĩnh của toàn dân. Mọi chuyện là ông mạo nhận ra là toàn dân. Không phải. Nhẽ ra Hồ Cầm Đào phải mạnh dạn hơn. Nhưng tôi tin rằng Hồ Cẩm Đào có "võ". Trung Quốc nó "ngọa hổ tàng long" chứ không phải đơn giản đâu. Hiện nay, tôi thấy mọi động thái là nó lại chuẩn bị dạy mình bài học chứ không phải nó là bạn bè tốt gì đâu. Có một thằng người Trung quốc nó cũng chơi với tôi mà, nó biết tôi là người như thế nào, nên thỉnh thoảng nó cũng nói mấy câu bỗ bã lắm chứ không phải đơn giản.

Câu hỏi: Từ những khuyết tật của bộ máy trong hệ thống chính trị, có ý kiến cho rằng nên nhất thể hóa hệ thống của Đảng và hệ thống của Nhà nước. Theo bác, cái đó có phải là một giải pháp tốt không? Câu hỏi thứ hai là, bác là một nhà khoa học, đi giao lưu quốc tế rất là nhiều, vậy điểm yếu của giới khoa học của mình khi giao lưu với quốc tế là gì?

Trả lời: Trước hết, về nhất thể hóa, theo tôi là nên. Nhất thể hóa nó có cái lợi, tức là người đứng đầu có một danh nghĩa của toàn dân. Như trên tôi nói, trong giao lưu quốc tế, tự nhiên sinh ra một cái ông dân không bầu lên mà đi ra với mọi người thì ngoại giao vất vả lắm chứ không phải đơn giản đâu. Nhưng làm thế rồi thì phải có một bộ máy giám sát. Tôi thấy mô hình Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như thời Lênin, do đại hội bầu ra, có quyền giám sát, được quyền thông tin, được quyền có một bản sao, được quyền phân tích, góp ý kiến, có một cơ chế để giám sát rất rõ ràng. Tức là giống như Thương nghị viện Mỹ, sứ quán Mỹ ở VN được chi bao nhiêu tiền, về những khoản nào, lý do làm sao thì anh được từng ấy tiền; anh chi thêm về khoản nào đấy anh có quyền tự quyết, quá một mức nào đấy anh phải đưa Quốc hội. Đấy là một vấn đề. Còn vấn đề về người VN, cán bộ khoa học VN khi ra ngoài giao lưu với thế giới. Người VN có sự phát triển so với mình trước đây thì khá lên. Nhưng bây giờ đang bộc lộ ba mặt thế này. Một là, lạc hậu về lý luận so với thế giới nghiêm trọng. Có thế hệ mới, trẻ lên thì nó tiếp cận được nhưng thế hệ ấy thì nó cũng còn Tây hơn cả thằng Tây thật! Tức là làm ra bộ rất Tây, nhưng thực sự thì ông ấy không nắm gì tình hình đất nước cả. Hồi tôi làm Viện trưởng thì tôi đòi hỏi những người ấy phải đi thực tế. Đi thực tế không phải là đến chỉ bá vai, bá cổ người ta đâu, mà trước đó anh phải đọc xem tỉnh này như thế nào, gần đây nó có vấn đề gì, khuyết điểm ra làm sai, anh muốn tìm hiểu cái gì thì người ta mới gọi anh là một Viện. Chứ đến đấy anh chỉ nhậu không thì lúc bấy giờ còn là Viện quách gì. Điều thứ hai nữa là cái "mũ kim cô" trên đầu. Nói năng rón rén, không dám nói. Vừa rồi tôi sang Singapore thì thằng hiệu trưởng Trường Đại học quản lý Singapore hỏi ta có quyền tự do phát ngôn hay không, tôi có trả lời là tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm. Mức độ cởi mở, tự do tư tưởng, mức độ tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học VN, làm cho các nhà khoa học VN không ít trường hợp trở nên thấp, trở nên xoàng, trở nên hời hợt, trở nên chưa có trách nhiệm, đầy đủ đối với đất nước, đối với dân tộc này. Điểm thứ ba là, số anh em trẻ thì ngoại ngữ khá, nhưng mà hiểu biết về đất nước chưa được nhiều. Số anh em lớn tuổi rồi thì ngoại ngữ lại kém quá. Khổ thế. Nhiều bố khai lý lịch gửi trung ương là bố nói có học tiếng Anh thực chất là bố không làm được gì. Mà tiếng Anh có nhiều loại tiếng Anh. Tiếng Anh để nói vài câu vớ vẩn "I love you" thì ai cũng nói được. Nhưng cái tiếng Anh có văn hóa, nói năng chững chạc như một nhà khoa học để có thể giảng được mới là quan trọng chứ. Chứ như bà bán cá ở chợ Hôm, bà nói suốt ngày nhưng chỉ nói 800 từ; bởi chỉ chửi, chửi bậy, loanh quanh mãi rồi chỉ có mấy chuyện ấy thôi. Nước ngoài người ta cũng biết rồi. Mày là nhà khoa học của một cái đất nước rất nghèo. Ngày 01 tháng 12 này cũng có một cái Hội nghị tài trợ. Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa? Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả... Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế. Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không? Nó nói với tôi trắng trợn và thẳng lắm chứ, y nguyên như tôi nói với các anh chị. Nó bảo mày phải nghĩ đi, mà phải nghĩ cả phẩm giá, tư cách của mày đi xem mày là thế nào đi, lúc nào rồi dân tộc của mày sẽ như thế này sao? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Ta cứ tưởng nó cho tiền mãi là vinh dự. Tôi thấy vinh dự vừa phải thôi, chứ trong thâm tâm tôi như muối xát vào ruột chứ không đơn giản đâu. Vì nó nói đến như thế. Thằng không nói thì trong thâm tâm nó cũng nghĩ thế cả, thằng bỗ bã thì nó nói toẹt vào mặt chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, có người nói với tôi là, vậy thì bây giờ mình có lãnh đạo ASEAN được không, tức ông phải trả lời trước hết ông lãnh đạo thì ông có tiền ông bao thằng khác không? Hai là ông có cái học thuyết gì để hướng dẫn cho người ta không? Thứ ba nữa là ông muốn lãnh đạo thì thằng Washington và thằng Bắc Kinh nó có tin ông không? Hai thằng ấy mà nó không tin ông, nó cho ông mấy chưởng thì lúc bấy giờ, ông chưa lãnh đạo nó đã cho ông què cẳng rồi. Thì thôi, bây giờ coi như ông đừng lãnh đạo; chứ ông mà lên tiếng, ông mạnh mồm ra tiếng lãnh đạo, hò hét thì đừng là nó cho ông mấy chưởng ngay chứ không phải không đâu. Mà nó có nhiều võ hơn mình, nhiều tiền hơn mình, nhiều công cụ hơn mình.

Câu hỏi: Bây giờ mình xem xét cơ chế trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo, người đứng đầu. Vậy có giải pháp gì để nâng cao trách nhiệm cá nhân?

Trả lời: Theo tôi, cái đó gắn liền với một cơ chế dân chủ. Tức là trách nhiệm đầy đủ, hoàn toàn cá nhân, anh có thì anh làm; tức phải tạo nên một cơ chế mà luôn luôn tạo ra một động lực rất mạnh và có một cái phanh rất ăn. Có một triết lý là động lực càng mạnh thì phanh càng phải ăn. Chứ bây giờ ông đi xe máy mà phanh của ông không ăn thì đố ông dám đi, ông đi xe đạp mà không có phanh cũng đã chết chứ chưa nói xe máy. Bây giờ, ông đi ô tô rồi mà phanh vẫn không chắc thì ông đâm lung tung tất cả. Cơ chế cán bộ của mình là cơ chế không phanh, chả thấy phanh mẹ gì cả. Vậy ông xem có ông Tổng Giám đốc doanh nghiệp nhà nước nào bị thôi chức do kém năng lực không? Chả có ông nào trong ngần ấy ông tổng công ty phá sản như vậy. Trời ơi, nhìn ông tổng giám đốc dệt Long An, giàu lắm ông ơi. Hơn anh em mình nhiều. Cho nên, nếu nói trách nhiệm cá nhân thì phải nhìn vào một cách tổng thể, tạo những điều kiện môi trường, thông tin, giám sát, kiểm toán, rồi thanh toán qua ngân hàng, rồi là vân vân. Chứ bây giờ chỉ bảo là phát động dân chủ cơ sở với lại công vùng lên. Công nhân biết quách gì đâu mà. Vì nó ký hợp đồng, nó ăn hoa hồng mấy trăm ngàn đô la thì công nhân biết quách gì. Các anh biết vì sao mà VN cứ gia công hàng mãi không. Bởi vì, gia công như vậy thì tay giám đốc được hai khoản. Thứ nhất là nó bảo công nhân của tao kém, yếu nên mày phải cho tao 3% tiền tỷ lệ phế phẩm. Rồi nó về nó phát động Công đoàn làm thế nào phấn đấu, tỷ lệ phế phẩm dưới 1% ấy; nó chén, ít nhất nó chén 60% của khoản đó. Thứ hai là tiết mục vải vụn, thẹo thừa, vì bao giờ thằng kia đưa sang cũng đưa dư thừa. Lúc bấy giờ nó chia ra, món đó cũng thằng kia đưa sang cũng đưa thừa chứ. Lúc bấy giờ nó chia ra, món đó cũng lại 60%. Một người rất chân tình với tôi nói là, nói thật với anh, em làm giám đốc như vậy, lương không đủ đi uống cà phê, đánh ten-nít. Một năm em không được 800 triệu đến 1 tỷ là coi như em khóc. Đấy là các chiến hữu có con gửi ở chỗ 2.800 đô la/tháng đấy. Mà có thấy họ đóng góp gì đâu, không thấy đóng góp, không thấy điều tiết gì cả. Một điều mà tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là sự thất bại, sự yếu kém của chế độ là không điều tiết được. Cái đó mình kém xa thằng Thụy Điển. Xã hội Thụy Điển, Phần Lan đấy, trở nên mẫu mực của thế giới là vì nó có tình đoàn kết, nó đánh thuế công khai, minh bạch. Tôi có biết thứ trưởng ngoại giao Thụy Điển, hôm tôi đi họp, vào cái nhà hàng Indonesia, cái nơi mà có múa khỏa thân, uống khoảng nửa chai sâm panh và ăn một bữa, một tối vào đấy nó lấy đâu khoảng 300 đô la. Thằng ấy chi. Về kiểm toán, Bộ ngoại giao nó bảo là đừng có chi vào đây, khoản này là không được. Thằng này nó bảo là mày cứ chi đi. Kiểm toán chuyển sang Quốc hội. Quốc hội lập tức gọi báo chí đến thông báo, cho chụp ảnh, đưa ra công luận. Báo chí đưa ra một cái là ngay ngày hôm sau ông Thứ trưởng xin từ chức ngay. Bởi vì không thể nào chấp nhận được. Tiền của nhân dân không phải để cho ông đi xem múa khỏa thân. Ông xem thì ông phải bỏ tiền túi của ông ra, tôi không cấm ông. Đằng này ông lại bắt tôi trả, lại còn hống hách mượn quyền của Bộ ngoại giao nữa. Tôi thấy là quyền hạn càng nhiều thì phải có sự khống chế quyền lực. Không nên được bỏ nguyên lý cơ bản đó.

Bài thuyết trình & trả lời dường như tới đây thì hết...

Phỏng vấn Ts Nguyễn Thanh Giang về bài thuyết trình của Ts Lê Đăng Doanh

Vào ngày 02-11-2004, trong khuôn khổ chương trình KX-10, một chương trình chuẩn bị cho Đại Hội 10 Đảng CSVN, trong một cuộc họp kín, lãnh đạo Trung Ương đã có một bản báo cáo hay nói đúng hơn là một bài thuyết trình nhận định về tình hình kinh tế VN do Ts Lê Đăng Doanh (LĐD) trình bày. Ts LĐD nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của chính phủ VN, từng giữ vai trò cố vấn cho cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Duy Trinh, và các cựu Tổng Bí Thư như ông Nguyễn Văn Linh và ông Đỗ Mười. Chức vụ cuối cùng trước khi về nghỉ hưu là cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư. Để tìm hiểu thêm về tài liệu mà Bộ Chính trị coi là "tối mật" này, VH (đài RFA) đã hỏi chuyện Ts Nguyễn Thanh Giang (NTG) và được ông cho biết nội dung chính của bản báo cáo như sau:

Ts. NTG: Sở dĩ có buổi nói chuyện đó là do ông Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương có viết thư đề nghị ông LĐD trình bày để cho những người chuẩn bị cho các văn kiện Đại hội X sắp tới nghe. Bài nói chuyện của ông LĐD gồm có ba phần:

I. Tóm tắt tình hình về thực trạng của VN

II. Một số vấn đề về kinh tế VN và tiến trình hội nhập của VN

III. Những yêu cầu cần thiết phải cải cách hệ thống chính trị ở VN để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới

VH: Thưa Tiến sĩ, bài nói chuyện của Ts LĐD cho đến nay dư luận cả ở trong và ngoài nước có thể nói là chưa biết đến. Trong phần nhận định về tình hình và thực trạng của VN, Ts LĐD đã đề cập đến những vấn đề gì?

Ts. NTG: Khi nhìn nhận về nền kinh tế VN, Ts LĐD ghi nhận rằng, đã có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong những năm "đổi mới" kể từ sau Đại hội VI. Từ chỗ nhập khẩu từ chiếc xe máy cho đến bánh xà phòng, rồi cho đến vươn lên được 5 năm xuất khẩu được 2 tỷ đô la. Sau chỉ vài năm tăng lên 5 lần, tức là được 2 tỷ đô la, rồi năm qua 2004 được 25 tỷ đô la. Tuy nhiên cho đến nay, đất nước VN vẫn là một đất nước quá nghèo và vẫn còn tụt hậu còn xa so với thế giới.

VH: Với đà phát triển của VN trong năm ngoái 2004 mà VN trình làng với thế giới là trên 7%, vậy nguyên do nào mà trong bài nói chuyện Ts LĐD lại nói đến vấn đề tụt hậu của nền kinh tế VN?

Ts. NTG: Nói xuất khẩu trong năm qua đạt 25 tỷ đô la thì thấy rõ bằng 5 bằng 10 năm trước thật, nhưng thực tế nếu so với mấy nước trong khu vực như Thái Lan, như mấy nước Trung Á đã không là cái đinh gì rồi. Những quốc gia này đã xuất khẩu hơn trăm tỷ, vài trăm tỷ đô la.

Nói mức tăng trưởng cao thì mấy nước Trung Á tăng trưởng cao hơn nhiều. Trong 15 năm qua thì Kazakstan mỗi năm tăng 10%. Nền kinh tế Singapore so với VN tăng ở mức chót vót, mà đã tăng trưởng cao thì nhích thêm 0,5% cũng chật vật lắm. Vậy mà trong năm qua Singapore cũng đã tăng 11%. Thế rồi nói GDP đạt trên 40 tỷ đô la đã thấy vĩ đại so với ngày xưa, nhưng với con số ấy thì nền kinh tế VN cũng mới chỉ bằng 0,36% nền kinh tế toàn cầu thôi. Nói rằng tuy GDP bình quân chỉ 500 USD nhưng do giá cả hàng hoá rẻ, giá nhân công rẻ nên tính theo sức mua tương đương PPP ở VN khá cao cũng không đúng. Tính theo sức mua tương đương thì ta xếp thứ 130/175 nước. Nếu xếp theo tỷ giá nữa thì ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Sau ngần ấy năm "đổi mới" oanh liệt lắm ta chỉ mới lẹt đẹt được đến như vậy. Chỉ số phát triển con người có thể cao hơn chỉ số kinh tế nhưng cũng chỉ đạt trung bình. Năm 2003 xếp thứ 109/175, năm 2004 xếp thứ 112/177 nước.

Vì trì trệ quá lâu rồi, tăm tối quá lâu rồi nên khi mở cửa ra cho ánh sáng bùng lên một chút đã thấy như đổi đời. Thực ra ta tiến còn chậm lắm. Chậm so với nhu cầu bản thân đất nước, chậm so với thiên hạ cho nên thực tế cho thấy là mình vẫn ngày càng tụt hậu. Chưa dám so với các nước tiên tiến, hãy chỉ so với mấy nước châu Á: Thái Lan năm 1950, thu nhập bình quân đầu người năm 1950 ta bằng 80,5%; năm 1999 = 20%. Hàn Quốc 1950 = 85,5% ; 1999 = 11% ; Trung Quốc, năm 1950 ta giàu có hơn họ, ta gấp rưỡi họ nay = 20%.

VH: Mới đây ông Phan Văn Khải có tuyên bố, trong năm 2005 VN sẽ phấn đấu trở thành thành viên của WTO trong năm nay, năm 2005 và quyết tâm trở thành thành viên của OECD, trong bài nói chuyện của Ts LĐD có đề cập đến?

Ts. NTG: VN là một nước nhỏ nhưng diện tích cũng đến 330. 990 cây số vuông, dân số 81,3 triệu người. Về quy mô quốc gia ta xếp vào hàng thứ 13, 14 gì đó trên thế giới. Theo ông LĐD, để trở thành thành viên của OECD mức thu nhập đầu người phải đạt 10.000 đô la/năm. Nay ta mới đạt 530 đô la/đầu người/năm, cứ đà này 10 năm nữa sẽ được 1060 đô la/năm. 20 năm nữa được 2120 đô la/năm. Nếu không có cách mạng, không có phương sách nào khác thì lộ trình gia nhập OECD phải tính bằng thế kỷ.

VH: Qua sự trình bày của Tiến sĩ về bài nói chuyện của Ts LĐD thì kinh tế VN tụt hậu, tiến rất chậm... nhưng có ý kiến lại nói rằng, kinh tế VN phát triển chậm nhưng chậm chắc?

Ts. NTG: Nó tồn tại được là do những nguồn sau đây: bán tài nguyên đất nước, bán khoáng sản, bán dầu khí, bán thủy hải sản, bán sức lao động của công nhân & nông dân ra nước ngoài, rồi đi vay, đi xin và trông chờ vào khoản tiền hơn 3 tỷ của người Việt ở nước ngoài gửi về.

Bán tống bán tháo tài nguyên khoáng sản dưới dạng thô là coi như đổ của đi, làm cạn kiệt tài sản quốc gia của con cháu sau này. Con người VN thông minh, cần cù, tài hoa, khéo tay đến mức các thầy cô giáo, các chuyên gia nước ngoài nào cũng phải khen, nhưng xuất khẩu từ các nước thì lao động VN lại chỉ được giá rẻ mạt vì trong tất cả lao động xuất khẩu, lao động VN thuộc loại ít được đào tạo nhất.

Đánh giá về độ ổn định tài chính và khả năng tin cậy về tín dụng thì ta được xếp vào loại B+, hơn Bắc Triều Tiên. Độ sâu tài chính, tức là tổng số tiết kiệm của ngân hàng trên GDP của ta khoảng 44%, tổng sản lượng tính dụng trên GDP khoảng 48% trong khi Trung Quốc (TQ) là 162%.

Thị trường chứng khoán ra đời đã ba năm nhưng nay chưa đứng lên đi được mà chỉ bò lê bò lết đến con số 1,6%.

Do quyền lực bị đảng thao túng tuyệt đối để cho các đảng viên có chức có quyền nên tham nhũng và lãng phí diễn ra tràn lan, hết sức thậm tệ dẫn đến phân hóa giầu nghèo rất cách biệt, dẫn đến bất công một cách tàn bạo nên xã hội chất chứa nhiều bức bối có nguy cơ bùng nổ một cách "đồng khởi," hàng loạt những vụ như Thái Bình, Tây Nguyên hay Kim Nỗ....

VH: Trong bài nói chuyện của Ts LĐD, khi đề cập đến những cải cách thay đổi hệ thống chính trị của VN thì Ts LĐD đã nói những vấn đề gì, thưa Tiến sĩ?

Ts. NTG: Sau khi đưa ra con số của Tổ Chức Minh Bạch Thế Giới xếp hạng tham nhũng ở VN đứng thứ 23 trên 145 nước, Ts LĐD đưa ra một dẫn chứng: Trong tòa tháp Hà Nội dựng lên trên đất Hỏa Lò có một nhà trẻ thượng đẳng, giá gửi một cháu là 2800 đô la/ tháng, tính trong giờ quy định, hết giờ quy định mà còn ở lại nhà trẻ thì bố mẹ phải trả thêm 4 đô la/giờ. Một người nước ngoài phàn nàn với Ts LĐD rằng, muốn đăng ký gửi mà hết chỗ rồi, trong số đó có 20 người VN gửi con ở đó.

Nhìn nhận hệ thống chính trị VN hiện nay, Ts LĐD nói, nguyên văn câu nói của Ts LĐD : "Hệ thống chính trị của ta hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả nặng, ta tự tạo nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề, kết hợp với mặt trái kinh tế thị trường sẽ dẫn dến chệch hướng rất lớn." Nhược điểm lớn nhất thể chế chính trị của chúng ta là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề. Đè nén dân quá làm cho nó tích tụ lại, đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó giống như ở Liên Xô hay Cộng Hòa Dân Chủ Đức hay như ở đâu đấy... Theo ông Doanh thì ở Trung Quốc cũng có nguy cơ giống hệt như ở ta....

VH: Thưa Ts NTG, cái bài phát biểu của Ts LĐD như vậy là cũng đã hơn 3 tháng nay. Tiến sĩ ghi nhận trong hàng ngũ đảng viên, hàng ngũ trí thức ở tại VN thì mọi người nhận định về bài nói chuyện của Ts LĐD như thế nào?

Ts. NTG: Cái bài đó thì mãi gần đây mới lọt ra ngoài, nhưng mà trong vòng mấy hôm nay tôi thấy rằng các người quan tâm đến tình hình đất nước đi xin nhau, đi photo, cho nhau rồi biết rất nhiều. Nhiều người đến hỏi tôi và họ thích thú, họ cho rằng cái bài nói ấy là cái bài nói được gan ruột, được ý nghĩ, được tình hình thực tế hiện nay và nó chứng tỏ một sự bức bối mà nó cần phải bung ra từ trong nội bộ. Nó thể hiện bây giờ cái suy nghĩ đa chiều, nó khác nhau, nó cọ xát nhau, chứ không thể bưng bít nhau được nữa. Và nếu mà cứ duy ý chí mà cứ bưng bít nó lại, bóp chặt nó lại thì nó sẽ bùng nổ dữ dội lắm.

VH: Với cái nhìn của Tiến sĩ thì do đâu mà Ts LĐD lại có cái bài phát biểu như vậy trong một hội nghị (khép kín) mà có thể nói là quan trọng như vậy?

Ts. NTG: Cái tôi nói là sở dĩ ông LĐD được đứng lên đăng đàn là do Ủy viên Trung ương Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng Trần Đình Hoan có lời yêu cầu, thì ông mới được đăng đàn. Nhưng mà khi được đăng đàn như thế này thì cái điều lý thú tức là ông LĐD đã chóp lấy thời cơ đó để bày tỏ tất cả những suy nghĩ nung nấu của mình trong suốt thời gian dài vừa qua phục vụ Đảng, phục vụ các cán bộ cao cấp của Đảng và tất nhiên trước đây thì ông gần các ông khác thì ông biết được tất cả những rận ở trong chăn, ông biết tất cả những cái đó. Nhưng khi ông còn ngồi phụ tá cho ông Phạm văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn văn Linh thì ông không dám nói, nhưng giờ thì ông đã nghỉ hưu rồi thì ông quy gốc với con người trí thức của ông mới sống lại hoàn toàn và ông nói thẳng, nói thật. Tôi cho rằng chính là vì như thế mà bây giờ Ts LĐD trở thành người được toàn Đảng toàn dân hâm mộ và ông đang thực sự đóng góp cho việc xây dựng Đảng một cách tích cực nhất trong công cuộc cải tổ này.

VH: Tiến sĩ vừa mới nói rằng tài liệu đó thì bây giờ dư luận ở Hà Nội mới bắt đầu biết được đến. Nguyên do nào mà tài liệu đó lại được giữ kín đến mức độ như vậy? Phải chăng là vì những nhận định và những điều mà Ts LĐD viết không đúng theo cái ý của Đảng hay sao?

Ts. NTG: Thì tất nhiên là mấy ông lãnh đạo thì cũng thấy rằng cần phải nghe. Muốn nghe đấy, nhưng mấy ông chỉ muốn một mình mấy ông nghe thôi, độc quyền nghe thôi. Cho nên tôi thường bị công an răn dạy rằng: "Thưa anh, anh viết gì thì anh viết, không ai cấm anh, nhưng anh viết xong thì anh chỉ nên gửi cho mấy ông lãnh đạo thôi, và gửi cho chúng tôi, chứ anh không nên gửi ra ngoài." Thế thì đối với ông LĐD nói bên trong thì được, nhưng mà họ bóp nó lại, họ chận nó lại, chỉ để trong lòng họ nghe, họ biết để tìm cách đối phó thôi. Cho nên đây là một tài liệu hết sức mật. Mức độ mật của nó cũng không kém gì bức thư của tướng Nguyễn Nam Khánh cả. Nhưng tôi cho rằng vì tình hình nội bộ bây giờ nó đã nứt vỡ rồi, không chỉ nứt vỡ ở phía dưới, mà nứt vỡ ở trên thượng đỉnh rồi cho nên chả có cái gì bí mật được đâu, chả có cái gì giữ gìn được đâu. Tôi chỉ nói một ví dụ mà gần đây tôi rất ngạc nhiên, là Hội nghị 6 ông ngồi bàn với nhau, rồi có thêm ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh dự. Có ý kiến của ông Lê Đức Anh là khai trừ ông Võ Nguyên Giáp, ý kiến ông Đỗ Mười thì đòi khai trừ ông Nguyễn Nam Khánh, tôi nghĩ hội nghị đó thì rất hẹp lắm chứ nhưng làm sao mà cũng lọt ra được ngoài. Thế mà nó lọt ra ngoài, thì chứng tỏ rằng là từ trên chóp bu là đã có một cái gì bằng lòng hoặc không bằng lòng mà người ta không nói thẳng ra mặt đâu, nhưng mà tìm cách để người ta... thậm chí là sắp tới người ta sẽ tìm cách để chọc vào lưng nhau, người ta thụi vào mặt nhau.

VH: Nhưng mà trong một tinh thần mà Đảng vẫn kêu gọi là nói thẳng, nói thật, chẳng hạn như là nhiều ý kiến cá nhân nhiều lần đóng góp cho đảng nhưng mà thường thường những ý kiến đó thì nhiều người nói rằng: Vâng thì chỉ việc gởi cho cấp lãnh đạo thôi nhưng mà gởi cho cấp lãnh đạo thì bị bỏ trong hộc tủ, bỏ xó, không được sự hồi âm mà thậm chí là bị dán cho cái mác là có những ý tưởng chống lại đảng.

Ts. NTG: Vâng. Thì cái xã hội này toàn những vấn đề ngược cả chứ. Nó cứ nói, thực tế một đàng mà nó nói một nẻo, và có khi họ muốn một đàng thì họ tung hô lên một nẻo, v.v... Cho nên nó mới là cái xã hội bệnh hoạn, cái xã hội không sống trên cái công khai và cái trung thực cho nên tôi đã nói là công an rằng dạy tôi là viết thì đừng có đưa, nói nhẹ nhàng rằng nếu anh rảnh thì anh chỉ đưa cho cán bộ lãnh đạo và chỉ đưa cho chúng tôi. Chứ anh đưa ra ngoài rồi mấy ổng lợi dụng anh rồi mấy ông tán phát làm lăng nhăng nọ kia. Tôi bảo như thế này: "Tôi là một anh làm khoa học tự nhiên nhá. Cho nên khi mà tôi bỏ thì giờ ra tôi viết những cái bài như vậy là công phu lắm, có mồ hôi, có nước mắt của tôi, có chất xám của tôi bị bòn rút ra ghê gớm lắm, thì tôi mới viết được những cái bài chính luận để góp ý kiến như vậy. Cho nên tôi viết không để mà chơi, còn chừng nào mà tôi thấy rằng là các anh, cái thói kiêu ngạo, cái thói kiêu ngạo CS xem đời không ra gì, không thèm đọc, không thèm xét đến ý kiến của tôi một cách nghiêm túc thì tôi đành phải viết cho toàn Đảng, toàn dân đọc. Và cho nên, tôi phải tán phát rộng rãi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tôi trực tiếp đưa lên internet."

VH: Những ý tưởng mà Ts LĐD trình bày như vậy, cá nhân Tiến sĩ thì Tiến sĩ cũng đã nhiều lần trình bày trong các cuộc nói chuyện với chúng tôi. Thì phải chăng rằng cá nhân Tiến sĩ cũng như Ts LĐD có một cái nhìn chung trong một ý tưởng nào đó hay sao ạ?

Ts. NTG: Vâng, lâu nay khi mà có được bài nói chuyện này chuyền tay nhau được tán phát thì nhiều cụ lão thành cách mạng, nhiều cựu chiến binh có đến nói với tôi rằng là sao nghe Ts LĐD nói như thế này thì người ta cũng thấy là ông Ts kinh tế LĐD nói cũng giống như Ts địa vật lý NTG, chỉ khác là một ông thì nói trước, một ông thì nói sau.

Ngoài lãnh vực đối nội, Ts LĐD đã phê phán chủ trương giải thể Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội làm mất mầm mống đa nguyên đa đảng. Ngoài những yêu cầu mà ông LĐD nêu lên là phải tăng cường thanh lọc, phải xét lại vai trò chỉ đạo của kinh tế quốc doanh, v.v... Thì bây giờ phải kiểm điểm lại một số vấn đề đối ngoại và công tác nước ngoài mà xem. Về Trung Quốc, Ts LĐD nhận định rằng, bây giờ tôi nhắc lại nguyên lời của Ts LĐD, bây giờ bạn của chúng ta là ai, ai là bạn của chúng ta, nhân sự thì ai hợp tác với chúng ta, liệu có nhân sự không. Mà cái ông Trung Quốc, ông ấy có phải là bạn ta không hay là ông lăm lăm để thịt mình đây.

Thế rồi ông LĐD cũng đề xuất một việc như thế này, là nếu ta chớp Vịnh Cam Ranh lại thì có thể kiểm soát được kinh tế dầu lửa của Trung Quốc, lúc bấy giờ TQ sẽ rất ớn, bởi vì TQ hiện nay đã làm bài toán sai lầm, Trung Quốc rất đang đói dầu lửa. Ông LĐD nói như thế này: "Ông Hoa Kỳ thì ông nói là ta, từ trước đến nay chưa có chiếm đất của thằng nào bao giờ. Hơn nữa Hoa Kỳ với mình hai nền văn minh khác nhau, chế độ kinh tế khác nhau, tâm lý khác nhau. Cho nên để mà hiểu nhau được không phải là đơn giản." Tất nhiên là vì bài nói của ông LĐD là do Ủy Viên Bộ Chính trị, trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng đặt hàng, lại nói trước toàn những quan chức CS nên ông ấy chỉ dám nói đến thế là cùng. Mà người nghe phải hiểu sâu xa hơn cả cái phần ý tại ngôn ngoại.

VH: Thay mặt thính giả của đài, xin cảm ơn Ts NTG đã giành thì giờ cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. [Hà Nội tháng 3-2005]

Hết Chương 20: Phần 4
Thông tin sách